Thứ Ba, 3 tháng 11, 2009

Tính Chất Lãng Mạn Qua Thi Ca - Kỳ 2



Tính Chất Lãng Mạn Qua Thi Ca


Kỳ 2:


Quê Ngoại tôi thì ruộng thẳng phì nhiêu, bốn bề sông nước bao bọc. Bến Tre là vựa lúa lớn của đồng bằng sông Cửu Long, nằm giữa vùng sông nước mênh mông, nơi hội tụ của 3 cù lao lớn. Bến Tre như một cái quạt xòe ra với những nan quạt là những con sông lớn, nhỏ. Một quê hương sông nước hữu tình mà hết thế hệ này đến thế hệ khác gắn bó với những chiếc đò ngang, đò dọc, những chiếc thuyền thúng suốt mùa mưa úng, những chiếc thuyền buôn trên nhiều ngã sông xuôi ngược…


Dòng sông cũ những chuyến đò xuôi ngược
Sông chở chuyên tình tự của quê nhà
Có những chiều anh nhìn em đắm đuối
Thuở dại khờ ngày đó đã thật xa


(Chim sáo không về - Khiếu Long)



Tôi vẫn thường ước ao được đi trên con sông Hàm Luông rộng mênh mông, để được nhìn ngắm cái vẻ đẹp lấp lánh của những rặng dừa xanh biếc dọc hai bên bờ


Tới đây ngủ dưới bóng dừa,
Cá cơm ai nấu rất vừa miệng ăn.
Dường như từ đã nghìn năm,
Đất đai đó mọc bạt ngàn dừa xanh.

(Bến Tre - Lý Thừa Nghiệp)



Bến Tre là vùng đất “địa linh nhân kiệt” đã sản sinh những anh tài trong văn học như Nguyễn Đình Chiểu, Sương Nguyệt Ánh, Võ Trường Toản, Trương Vĩnh Ký, Phan Thanh Giản… Nhà văn hóa Trương Vĩnh Ký - người làm báo đầu tiên ở Việt Nam, người thông thạo 27 thứ tiếng nước ngoài (12 ngôn ngữ phương Tây, 15 ngôn ngữ phương Đông). Trong khoảng thời gian 40 năm (1858 - 1898), Trương Vĩnh Ký đã để lại cho đời 118 tác phẩm, bao gồm sách nghiên cứu, sưu tầm, dịch, phiên âm trong đó có hàng chục quyển sách viết bằng Pháp văn. Trong bài “Học giả Trương Vĩnh Ký” nhà văn Việt Hải đã nhận định rằng: “ Kiến thức uyên bác, năng khiếu thiên bẩm đã tạo cho Petrus Ký là một hình ảnh nổi bật trong văn học sử Việt Nam. Sự nghiệp văn học của ông hình thành trong bối cảnh chuyển đổi từ nền nho học sang tân học với chữ Quốc ngữ theo hệ thống mẫu tự La tinh. Và ông đã thật sự đóng góp nhiều áng văn tiền phong cho sự phát triển chữ Quốc ngữ của chúng ta dùng ngày hôm nay…”


Sương Nguyệt Anh, người con gái tài ba của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, là nữ chủ bút ưu tú đầu tiên của Việt Nam. Từ nhỏ, ông ngoại tôi thường kể cho tôi nghe những giai thoại về bà. Tôi rất hâm mộ bà vì bà là người thông minh tài sắc vẹn toàn, sống có đức hạnh thủy chung. Tôi vẫn còn nhớ bài văn tế chồng đầy nghĩa tình tha thiết của bà


Nhớ quân tử xưa
Tướng mạo thung dung
Tánh tình hậu phát
Thong thả con đường thanh đại
Bạn tần giao mấy gã đăng tâm
Tánh năng suy nghiệp huỳnh kỳ
Tài quán chúng nhiều người la bặc cả
Thương thay
Trướng hiệp quản rồi rã a giao tiếp phụ tử chia lìa
Chẳng hay đâu thảo khấu lăng loàn
Phải dự chi mà thấu lý quyền minh
Sao đến nỗi cốt bì tan nát
Ôi, xưa còn nấu thuốc linh đơn, này đã thác theo chòm mây bạc
Giọt nước mắt chảy dài trên má, ruột gan rối bời bời
Ai chẳng than tức tưởi, phận sử quân lược sa tiền
Thiếp nhỏ giọt châu sa thảm thiết!



Năm 1906, hưởng ứng lời kêu gọi của cụ Phan Bội Châu trong phong trào Đông Du, bà đã bán cả ruộng vườn để giúp học sinh xuất dương du học. Tiếng tăm của bà ngày càng được nhiều người biết đến. Năm 1917, bà được mời làm chủ bút tờ “Nữ giới chung” - tiếng chuông của nữ giới. Đây là tờ báo đầu tiên dành riêng cho phụ nữ Việt Nam, do một nữ sĩ tài danh điều hành.


Đem chuông lên đánh Sài Gòn
Để cho nữ giới biết con cụ Đồ


(ca dao Bến Tre)


Bến Tre còn có kho tàng văn học dân gian với những chuyện cổ, thơ ca, câu đố …. Nơi đây, với 75 điệu lý khác nhau, là một trong những cái nôi của dân ca Nam Bộ, là vùng đất tiềm năng cho những điệu hò trên sông nước và hò trên cạn ra đời...như lý con sáo, lý mạ non, lý cái mơn, hò chèo thuyền, hò lờ , hò cấy lúa, hò đối đáp… Lý có nhiều khả năng diễn đạt, đề cập, phản ánh mọi khía cạnh của đời sống thiên nhiên và xã hội, sự vật, sự việc chung quanh, vì vậy đề tài của lý vô cùng phong phú. Lý là tiếng nói của tình yêu lứa đôi hồn nhiên và mộc mạc, là ước mơ trong sáng, là khúc hát ngọt ngào thủy chung


Người về đây dừng chân trên bến
Sóng nước lăn tăn, tâm tình nhắn gởi người yêu
Có sang sông thì chim sáo hát câu hẹn hò
Chiều tà dương mãi còn chờ ai
Tia nắng soi rưng rưng
Đôi bờ bỗng nghe chim nhạn tìm nhau


(Lý Cái Mơn- Lê Giang)


Xứ Bến hiền hòa đã để lại trong lòng tao nhân mặc khách một nỗi vấn vương ngậm ngùi khi chia xa. Nhà thơ Phan Ni Tấn trong bài ca “ Phải lòng con gái Bến Tre” cũng đã mang một tâm tư lưu luyến như thế


Đợi ánh trăng lên đầu cầu soi bước em về
Lòng qua như con nước
lênh đênh vào trong mong nhớ
Vịnh Bến Tre tim bồi hồi lòng muốn theo người ơi


(Phải lòng con gái Bến Tre- Phan Ni Tấn)



Tuy chưa một lần đặt chân về nơi xứ dừa xanh thân yêu nhưng quê ngoại trong tôi đẹp như điệu lý xàng xê, ngọt ngào như lời ru của mẹ khi chiều buông, thiết tha nghĩa tình như sóng nước nghìn thu xuôi về biển


Ai đem điệu lý về xuôi
Câu hò ở lại ngậm ngùi vấn vương
Ru hời mái đẩy nhịp thương
Qua sông chim sáo đoạn trường thở than
Ba tri sầu não tơ đàn
Dạ lang hoài cổ bẽ bàng phận duyên
Hỏi người tình phụ cánh quyên
Khúc ca lẻ bạn nghẹn niềm xót xa…



(Lỡ một cung đàn- Tiểu Vũ Vi)



(Xem tiếp Kỳ 3)



Viết tại Paris, 28/04/2007

Vũ Tuyết Như
(Bích Phượng)




Theo Lục Bình Trôi


Lục bình tím cả dòng sông
Em còn đó nỗi chờ mong những chiều
Tuổi thơ trên những cánh diều
Bay trong ký ức dấu yêu một đời

Bóng thời gian nỗi rã rời
Trong ta tình vẫn đầy vơi ngập lòng
Chiều quê con nước theo dòng
Sông xưa hoang vắng còn không chút tình

Đời trôi theo cánh lục bình
Về đâu dòng chảy linh đinh cơn sầu
Cánh đồng xanh thuở yêu đầu
Mênh mông giấc mộng chìm sâu ngỡ ngàng



Khiếu Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét