Thứ Tư, 18 tháng 11, 2009

HUẾ, THI CA VÀ TÔI - Kỳ 1




HUẾ, THI CA VÀ TÔI

Kỳ 1:





Huế - vùng đất mộng mơ, đã lắng sâu trong tiềm thức của tôi với tình cảm thân thương, đằm thắm. Hầu hết mỗi người trong chúng ta đều được một lần nghe nói đến sông Hương, núi Ngự, thôn Vỹ Dạ, chùa Thiên mụ, cầu Tràng tiền…qua những khúc tình ca đã viết về cố đô thân yêu này…

Ai ra xứ Huế thì ra
Ai về là về núi Ngự
Ai về là về sông Hương
Nước sông Hương còn vương chưa cạn
Chim núi Ngự tìm bạn bay về
Người tình quê ơi người tình quê thương nhớ lắm chi

( Ai ra xứ Huế- Duy Khánh)


Huế buồn, Huế đẹp, Huế thơ...sao lại để cho tôi trăm ngàn lưu luyến, vấn vương! Mỗi lần nghe nhắc về Huế, là mỗi lần nhớ đến Huế, là nhớ về một vùng ký ức xa xôi, nhớ đến não lòng…


Những đêm dài nhức nhối trên sông Hương
Thả tương tư bay bổng khắp Nội thành
Như sợi khói bay tròn quanh núi Ngự

( Khói tương tư - Đỗ Hữu Tài)


Huế đến với tôi lần đầu tiên khi tôi bước vào lứa tuổi ô mai đầy mộng mơ, trong mùa hè đỏ lửa 1972. Năm đó Đông Hà rồi cổ thành Quảng Trị thất thủ. Máu loang như màu phượng đỏ trên Đại Lộ Kinh Hoàng, trên con đường số 1 từ Mỹ Chánh ra Quảng trị với sự tàn sát dã man của đoàn người tản cư chen chúc. « Một người lính dù, nước mắt chan hòa, đứng lặng giữa hàng trăm, hàng ngàn xác chết, bên cạnh nững chiếc xe đạp, xe gắn náy nằm ngổn ngang, chỏng gọng…Những chiếc xe jeep, xe hồng thập tự, vết đạn xuyên lỗ chỗ. Ngọn gió Lào nóng rát mặt đẩy đưa cánh cửa xe cho thấy những xác người nằm trên băng ca…Có bộ xương em bé nằm trên bộ xương người mẹ dưới bụi gai. Có xác khô đét như người tiền sử…có xác nằm sấp, có xác nằm co…Tất cả im lặng . Không có tiếng nguời, không có tiếng chim… » (Trích đoạn « Những oan hồn trên Đại lộ Kinh Hoàng »- Trần Đức Tường). Sau lần chứng kiến đau thương đó, Ba tôi được lệnh dời tiểu đoàn quân y về đóng quân ở cây số thứ 17 Hiệp Khánh- Phú Bài- Huế.



Và mảnh đất thần kinh này bỗng dưng đã trở nên quen thuộc và thân thương với tôi… Ba tôi cũng bị "chinh phục" bởi Huế. Người thường tâm sự rằng:" Tuy rằng quê quán ở Kinh Bắc, nơi quê hương quan họ; tuy rằng sinh sống ở Sài Gòn, nhưng bây giờ có ai hỏi tôi, nơi nào ở Việt Nam tôi nhớ nhất thì tôi sẽ trả lời là "Huế". Nhiều người hỏi tôi, có mối tình nào ở miền Sông Hương, Núi Ngự. không ? Thực tình thì không phải như vậy. Có lẽ là suốt 10 năm đi lính Nhảy Dù, tôi đã đổ ra rất nhiều mồ hôi và đôi khi cả máu mình cho vùng đất thơ mộng nhưng cũng nhiều đau thương nghèo khó này..." Tôi cũng thế. Tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn phồn hoa đô thị nhưng lại yêu thích cố đô cổ kính này. Tuy tôi biết Huế dưới khói lửa chiến tranh tàn khốc nhưng ở đây, từ những đường mái ngói cong cong hoang tàn đổ nát của thành nội, từ những tường đá rêu phong của đền đài, chùa chiền lăng tẩm đến dòng Hương giang nước xanh biếc lững lờ trôi, và núi Ngự bình chìm trong sương khói, mơ màng với gió trăng; tất cả đều mang một nét đẹp đắm say như một bức tranh họa đồ diễm tuyệt của thiên nhiên:


Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ…

(Ca dao)

Vì thế mà tôi đã quyến luyến Huế, quyến luyến một vùng đất của dáng Huế thơ, một bầu trời của chất Huế nhạc và một thế giới của tâm Huế tịnh yên nhưng quật cường bất khuất…


Đi mô cũng nhớ quê mình
Nhớ Hương giang nước biếc, nhớ Ngự bình trăng trong



Những tháng ngày ở Huế, có lẽ do bản tính tôi đa sầu đa cảm từ hồi bé thơ cho nên dòng sông Hương có một sức quyến rũ đối với tôi một cách lạ thường.



Nước đầu cầu khúc sâu khúc cạn
Chéo qua Ngọc Trãn đến vạn Kim Long
Giữa sông Hương gợn sóng khuynh thành
Đêm khuya một chiếc thuyền tình ngã nghiêng


(Ưng Bình Thúc Giạ Thị)



Tôi thường thích ngồi trên những bậc thang rêu phong của chùa Thiên Mụ để ngắm nhìn sóng nước Hương Giang dưới cảnh chiều tà dần buông…Thiệt đẹp lắm ! Nhìn mặt nước óng ả những giọt nắng cuối cùng, tôi để tâm hồn mình lâng lâng vào trong một thế giới mơ huyền của mùa trăng. Rồi dưới ánh nguyệt tĩnh mịch mơ màng đó, thoang thoảng trong gió âm vang những câu hò mái nhì Huế trầm lặng u hoài. Soi bóng dòng Hương những chiếc đò chuyên chở những cung điệu Nam Ai, Nam Bình não nề ai oán nặng tình yêu thương non nước.



Chiều chiều, trước bến Vân Lâu
Ai ngồi, ai câu, ai sầu ai thảm
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non…

(Ưng Bình Thúc Giạ Thị)



Tôi đã không biết có tự bao giờ nhưng người dân Huế thường tự hào rằng sông Hương là trái tim, là linh hồn, là chiếc nôi của văn hóa nghệ thuật độc đáo của đất nước thần kinh này…Tôi thấy sông Hương xinh đẹp dịu dàng như những o Huế, chảy vào tận đáy sâu của tâm hồn khiến cho Huế trở nên thơ.


Dòng Hương duyên dáng lung linh
Như O con gái tự tình đêm trăng
Mơ màng sương khói mây giăng
Tóc thề buông xỏa đón vầng bán cung
Phím đàn gieo khúc não nùng
Rối lòng lữ khách muôn trùng vấn vương


(Hương Giang dạ khúc - Tiểu Vũ Vi)


Và con sông đã từng chứng kiến biết bao biến cố thăng trầm của Huế qua những thời đại nhục vinh trở nên nguồn cảm hứng diệu kỳ vô tận. Bao tao nhân mặc khách đã đề bút cho dòng sông của thi ca, nhạc họa, của kiến trúc, của nghệ thuật xứ Huế này. Thi hào Nguyễn Du đã từng cảm tác về sông Hương rằng:


Hương giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu


Sông Hương một mảnh nguyệt
Lai láng sầu cổ câm



Hương giang cũng được vua Thiệu trị đề thưởng mấy dòng sau:


Thiên tửu vị can nhu ngạn thụ
Sóng hoa do luyến kết vân anh


Cây cối hai bên bờ sông còn đẫm sương
Hoa trên núi còn vương vấn với mây đẹp đẽ



Trên sông nước Hương Giang, đêm về là cả một thế giới đầy thơ mộng và hết sức quyến rũ, đầy dẫy những con đò tình xuôi ngược trên sông, hòa trong tiếng mái chèo khua đọng, văng vẳng một giọng hò mái nhì tình tứ, thiết tha:


Thuyền về Đông Ba, thuyền qua Đập Đá
Thuyền từ Vỹ Dạ thẳng ngã ba Sềnh
Lờ đờ bóng ngã trăng nghiêng
Giọng hò mái đẩy nhắn tình nước non


Nhà thơ Tôn Thất Phú Sĩ cũng đã từng hoài mơ được « xuôi dòng Hương Giang »


Mây lơ lững trôi theo dòng nước chảy
Mái chèo đưa khua dợn sóng đôi bờ
Xin lặng thinh nghe giọng hò lơ lẵng
Tự xa xưa như muôn kiếp ai chờ



Quả thật, Huế vốn nổi tiếng với dòng âm nhạc dân gian, với những làn điệu dân ca trữ tình như điệu hò mái nhì, mái đẩy, khoan thai, dàn trải, ngọt ngào như tâm hồn người dân xứ Huế hiền hòa; những điệu lý bay bổng, mượt mà như lý con sáo, lý hoài xuân, lý tình tang…


Bước qua xứ Huế đã lâu
Chưa phai kỷ niệm chìm sâu thuở nào
Chân đi ghi dấu Nam Dao
Trường Tiền bao nhịp tôi bao dạ sầu
Tiếng tiêu vang vọng Vân Lâu
Hương Giang nước biếc đêm thâu giọng hò
Lời này nhắn gởi đến o
Trăm thương ngàn nhớ điệu hò trong tôi.


(Việt Hải- Huế, Em tôi)


Bên cạnh đó, Huế còn một dòng ca nhạc cung đình đầy tính trang trọng gọi là nhạc Lễ hay nhã nhạc như giao nhạc, miếu nhạc, ngũ tự nhạc, đại triều nhạc, thường triều nhạc, yến nhạc. Nhã nhạc cung đình Huế có một giá trị nghệ thuật cao được UNESCO nhìn nhận là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.

Nhưng tôi thì lại thích cái nét trữ tình đậm đà của ca Huế hơn…Ca Huế nằm giữa hai dòng nhạc và mang những đặc trưng riêng với chất trữ tình sâu lắng làm xao động lòng người. Ca Huế bao gồm cả hai yếu tố ca Huế và đàn Huế.

Còn gì tình tứ, thơ mộng và lãng mạn hơn là xuôi dòng Hương Gìang lững lờ trên một chiếc đò ngang, rồi thả thuyền, chơi trăng, thả thơ, nghe ca Huế…



(Xem tiếp Kỳ 2)



Viết tại Paris, một đêm nhớ Huế 2/6/2006
Vũ Tuyết Như
(Bích Phượng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét