Thứ Ba, 3 tháng 11, 2009

Tính Chất Lãng Mạn Qua Thi Ca - Kỳ 1



Tính Chất Lãng Mạn Qua Thi Ca


Kỳ 1:


"... Đôi tay nâng lấy cơi trầu,
Trước mời quý khách, sau hầu đôi bên.
Em là con gái Bắc Ninh
Kẻ tấn người tần,
Gửi lên tỉnh Bắc cho gần yến oanh..."

(Em là con gái Bắc Ninh)


Hình ảnh duyên dáng của người con gái bắc đeo yếm thắm lụa đào cổ viền, vận áo the năm thân, bao thắt lưng xanh, váy sồi rủ hình lưỡi trai, chân đi dép cong, đầu chít khăn vuông mỏ quạ, đội nón ba tầm, chân bước thung thăng, nụ cười lúng liếng, ánh mắt đong đưa đưa tình…đã gắn liền với tôi từ thuở ấu thơ… Tuy tôi sinh trưởng trong Nam tại một nơi phồn hoa đô thị nhưng nửa dòng máu chảy trong người tôi mang đậm nét trữ tình lãng mạn của quê hương quan họ. Tôi là con gái Bắc Ninh. Quê Nội mà tôi chưa một lần đặt chân về thăm là một miền quê đẹp như thần thoại, nằm nép mình bên dòng sông Cầu thơ mộng, đã khơi bao nguồn cảm hứng cho các thi sĩ từ ngàn xưa đến nay. Đất Bắc Ninh xưa gọi là đạo Bắc Giang, rồi đổi ra trấn Kinh Bắc, một miền phong phú về mặt dân ca, cũng là một vùng nổi tiếng về phong quang cẩm tú, về điền địa phì nhiêu, về sắc đẹp duyên dáng và tình tứ của những nàng thiếu nữ, về sự thông minh hay chữ và thành đạt của các danh thần, văn sĩ. Theo lời ba tôi kể thì, dân ca Quan họ Bắc Ninh không những là niềm tự hào, là vốn riêng của người dân Kinh Bắc, mà còn là niềm kiêu hãnh, là nét đẹp văn hoá rất riêng của người dân Việt Nam.


Người ta yêu dân ca Quan họ Bắc Ninh không chỉ vì yêu làn điệu trữ tình, ngọt ngào và những luyến láy thể hiện được tâm tư, tình cảm rất đỗi thiết tha của tâm hồn, mà còn yêu cả những câu chữ, lời ca bộc lộ nội tâm rất mực đằm thắm, thủy chung, dào dạt nghĩa tình, văn chương tao nhã, đắm say hồn người….Tôi thường thắc mắc hỏi ba tôi tại sao người ta gọi là quan họ ? Ba tôi bảo theo như lời giải thích truyền từ đời này sang đời khác thì từ « quan họ » xuất phát từ hai từ « quan viên » và « phường họ ». Quan họ là tiếng hát “giữa hai họ nhà quan kết bạn với nhau”. Gần đây, tiến sĩ sử học Trần Đình Luyện-Giám đốc Sở Văn hóa-thông tin tỉnh Bắc Ninh giải thích: “ Quan họ tức là: Nói cái nỗi mà ta yêu nhau, yêu nhau nhưng chẳng lấy được nhau…”. Có lẽ, theo ông, vì nếu ngày xưa, những liền anh, liền chị hát quan họ mà lấy nhau, thì không thể có được những câu hát da diết nhớ thương, tình tứ, sâu thẳm đến tận tim gan con người truyền lại cho hôm nay. Tôi còn nhớ khi tôi gặp chú thím tôi từ Bắc Ninh sang Pháp chơi, tôi đã được dịp nghe chú thím tôi hát những bài quan họ thật đa tình, đầy cảm xúc.

Ngồi tựa song đào
Hỏi người tri kỷ ra vào vấn vương
Gió lạnh đêm trường
Nửa chăn, nửa chiếu, nửa giường, đợi ai.

(Ngồi tựa song đào)


Theo thím tôi kể thì cứ mỗi độ xuân về, người dân Kinh Bắc lại mở hội đón năm mới. Các liền anh, liền chị trên vùng đất Quan họ lại tụ họp cùng nhau, trao cho nhau những lời ca, câu hát sâu nặng nghĩa tình. Nhưng đến hẹn lại lên, từ 13 đến 15 tháng giêng hàng năm, từng đoàn khách thập phương lại đổ về đất Bắc Ninh để thưởng thức những làn điệu dân ca Quan họ và cùng nhau đắm mình trong lời ca tiếng hát tràn đầy sắc xuân của vùng quê Kinh Bắc. Trong những ngày trẩy hội này, những chàng trai cô gái say mê đồng cảm với nhau qua những bài hát trao duyên đó. Có những mối tình Quan họ đã nảy sinh, một thứ tình yêu thơ mộng nhưng không kém phần đắm đuối nồng nàn…Vì biết rằng, theo truyền thống của quan họ, các liền anh liền chị phải lòng nhau « yêu nhau nhưng không lấy được nhau », cho nên họ đã gói ghém tình cảm yêu thương của mình gửi cho người bạn lòng qua từng lời hát để nói lên sự nhớ nhung khắc khoải đợi chờ


Ai làm đến nỗi dở dang
Ai làm đến nỗi nhớ thương thế này.
Còn đương cuộc rượu sánh bày
Nỡ nào Quan họ dứt dây sao đành...

(Đương vui mà về)


rồi đến khi hội tàn, giã bạn từ ly trong tiếc nuối, bịn rịn, vấn vương


Người về để nhớ cho nhau
Người ơi để áo gối đầu lấy hơi
Người về đằng ấy xa xôi
Xin người nghỉ lại với tôi bên này...


(Bỏ bạn sao đành)


để chỉ còn lại trong ký ức một nỗi lưu luyến thiết tha về một hương vị cay nồng, ấm ngọt, hồng rực môi, má của miếng trầu cánh phượng, một ánh nhìn lúng liếng trao nhau của trai gái trong mối tình quê, về những đêm bồng bềnh trên thuyền say sưa câu hát giao duyên…

... Vì ai nhớ trộm, thương thầm
Để cho con nhện giăng mùng vì ai
Xưa câu: “Đá nát vàng phai”
Nay duyên Quan họ một hai vẫn chờ...

(Nghĩa bạn, tình quê)


Từ thuở ấu thơ, tôi đã yêu thích dân ca quan họ. Tôi vẫn thường rung động mỗi khi nghe ba tôi hát hay thổi sáo bài “ Người ơi, người ở đừng về”. Tuổi đời chồng chất, tôi lại thấy càng thấm thía hơn những ngôn từ thi ca đặc sắc độc đáo dùng trong lời hát quan họ. Những ngôn từ này khi thì mộc mạc thắm đượm hồn quê khi thì bóng bẩy trau chuốt, nhưng từng chữ đều chứa đầy cảm xúc, nghĩa tình và giàu về hình tượng, thi ảnh…Tỉ dụ như bài “ Nhện giăng mùng”. Chúng ta ai cũng biết con nhện thì chỉ biết giăng tơ. Hình ảnh “nhện giăng tơ” thường dùng trong thi ca để ám chỉ sự vương vấn trong tình yêu. Còn “ nhện giăng mùng” thì theo tôi ý lại phong phú hơn. “Mùng” ở đây có thể nói lên sự giăng mắc mịt mùng. “Nhện giăng mùng” khiến ta nghĩ tới sự quạnh vắng, cô đơn, thương nhớ... giăng mắc bịt bùng vây tỏa khi phải chia xa cùng người. Mong manh, nhưng suốt cả năm canh cũng chẳng vượt nổi sự vây bủa, bịt bùng ấy…


Người về để nhện giăng mùng
Năm canh luống những lạnh lùng cả năm


Tôi cũng rất hâm mộ cách đối đáp đặc sắc về nghệ thuật sáng tạo giữa “trai tài”
“gái sắc” trong dân ca quan họ. Cách đối, từ hình ảnh, hình tượng và từ ngữ đã cho ta thấy hết nét tinh hoa độc đáo của quan họ

Bài 1:

Lóng lánh: Lóng lánh là lóng lánh ơi!
Mắt người lóng lánh như sao trên trời
Tôi nhớ người lắm lắm người ơi!...


Bài 2:

Lúng liếng Lúng liếng là lúng liếng ơi!
Miệng người lúng liếng có đôi đồng tiền
Tôi với người muốn kết mhân duyên!...



Tôi vẫn hằng nguyện mong được có một lần về thăm quê nội Bắc Ninh của tôi không phải chỉ để nghe hát dân ca, mà còn có thể học được cách têm trầu cánh phượng, đội khăn mỏ quạ, nhất là thấm được cái Tình của người quan họ.


Người về em vẫn trông theo
Trông nước, nước chảy, trông bèo, bèo trôi
Người về em dặn tái hồi
Yêu em xin chớ đứng ngồi với ai.





(Xem tiếp Kỳ 2)




Viết tại Paris, 28/04/2007
Vũ Tuyết Như
(Bích Phượng)





Tương tư dạ sầu



Giăng mùng con nhện trải tình vương
Mắc chỉ tương tư bốn nẽo đường
Chốn đó người về ôm nỗi nhớ
Nơi này em ở gói niềm thương
Lầu hoang ngóng đợi sầu hoen lệ
Gác vắng chờ mong xót đoạn trường
Gió lạnh đêm dài bên gối mộng
Mỏi mòn châu rớt mấy mùa sương




Tiểu Vũ Vi
31/08/07

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét