Thứ Tư, 18 tháng 11, 2009

HUẾ, THI CA VÀ TÔI - Kỳ 2




HUẾ, THI CA VÀ TÔI

Kỳ 2:






Dập dềnh sóng vỗ mạn thuyền
Ngồi nghe ca Huế mà lòng bâng khuâng!
Tương tư với nguyệt cùng mây
Hỏi non nước ấy đắm say bao tình?



Sông Hương - Núi Ngự là biểu tượng văn hóa, phong thổ của kinh đô Huế. Nhà thơ Bùi Giáng đã từng tâm sự rằng: « Dạ thưa xứ Huế bây giờ. Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương ! »…


Hồn xưa bóng cũ quyện mây trời
Đại Nội mưa buồn lất phất rơi
Điệu hát Nam Ai sầu suốt kiếp
Câu hò Mái Đẩy nhớ ngàn đời
Nam Giao nắng tắt vầng dương nhạt
Thọ Lộc chiều buông sắc ráng vơi
Đứng giữa Hoàng Thành nghe tiếng gió
Xa xa Đỉnh Ngự ánh trăng vời

(Thứ Lang- Hồn Huế)


Huế là xứ sở thanh bình của thơ và mộng. Nói đến Huế là nói đến cái gì đó rất riêng, rất đẹp và thơ. Huế có cảnh đẹp người xinh, nhất là có những nàng Công Tằng Tôn Nữ thuộc dòng họ hoàng gia, mang những cái tên hoa mỹ điển hình của xứ Huế. Tôi rất thích những cái tên dài lướt thướt rất thơ này của những nàng Tôn nữ Huế, nào là Công Tằng Tôn Nữ Thị Trân Phương, hay Nguyễn Khoa Thụy Quỳnh Hương…Ba tôi thường đùa với tôi rằng « tên các o Huế dài như mái tóc thề… »…Mỗi lần từ căn cứ Sally Hiệp Khánh- Phú Bài, nơi đóng quân của ba tôi, vào thành nội, tôi có thói quen hay đi tảo bộ trên con đường Lê Lợi, dọc theo bờ sông Hương, ngắm những tà áo dài thướt tha bay trong gió…Từ muôn thuở, chiếc nón bài thơ cùng với tà áo dài của thiếu nữ Huế đã đi vào thi ca, trở thành một vẻ đẹp đặc trưng làm say lòng du khách…


Ở đây áo tím riêng màu
Bài thơ nón mỏng che đầu mỹ nhân


(Vài nét Huế- Nguyễn Bính)



Có một điều đã làm thắc mắc một cô bé học sinh Couvent Sàigòn như tôi, lúc nào cũng quen nhí nhảnh trong bộ đồng phục jupe xanh áo trắng, là không biết tự bao giờ tà áo dài trắng, tím cùng cánh nón bài thơ luôn đi liền với hình bóng người phụ nữ Huế mọi lúc, mọi nơi, trong nhà, ngoài phố ; ngay cả khi tôi nhìn các o gánh ràng rong ngoài chợ Đông Ba cũng duyên dáng kín đáo trong chiếc áo dài Cát Tường Le mur đó


Người xứ Huế yêu thơ và nhạc lễ
Tà áo dài trong trắng nhẹ nhàng bay
Nón bài thơ e lệ nép trong tay
Thầm lặng bước những khi trời dịu nắng...

(Bích Lan)


Ba tôi thì cho rằng người con gái Huế thích bận áo dài Huế vì Huế là hiện thân của chiếc áo dài quê hương với hai vạt áo nghĩa tình “ Trường Sơn “ và “Nam Hải”. Mỗi lần nhắc đến gái Huế thì tôi lại nhung nhớ đến một tà áo dài lụa trắng đơn sơ, một mái tóc thề, một chiếc nón bài thơ mà nhà thơ Huy Cận đã từng xao xuyến ngẩn ngơ:


Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong
Hôm xưa em đến, mắt như lòng...
Nở bừng ánh sáng em đi đến,
Gót ngọc dồn hương bước tỏa hồng


Tôi mang tâm hồn lãng mạn nên yêu màu tím của tuổi học trò…Và khi đến Huế tôi đã ngất ngây say đến một màu tím của Huế, màu tím của nhu mì, của thầm kín, của đức hạnh, của thủy chung.


Nắng vương nhẹ gót hài thiếu nữ
Cánh phượng hồng như dấu hiệu chia tay
Em thân ơi, anh đã sống những ngày
Huế tim tím ngất say tà áo ấy

(Màu tím Huế nhớ nhung – Lê Trọng Phú)


Và không bao giờ tôi quên được những buổi trưa hè oi ả của ngọn gió Hạ Lào, ngồi trong xe jeep của tiểu đoàn, tôi đã lặng nhìn say sưa những tà áo tím duyên dáng Đồng Khánh, che nghiêng vành nón, suối tóc thề xỏa vai dịu dàng thướt tha bước khoan thai trên cầu Tràng tiền


Qua Đồng Khánh nhìn sân trường xao xuyến
Huế muôn đời ưa cám dỗ thi nhân
Bóng dáng nào hò hẹn khách dừng chân
Hay là tại nón bài thơ ai đội

Trải vạt áo dài thi ca muôn thuở
Xỏa mái tóc huyền thi nhạc giao duyên
Môi ai cười vành nón lá che nghiêng
Nghe vướng vấp bước chân người khách lạ


(Một lần về thăm Huế - Yên Sơn)


Chiếc áo với hai tà bay lửng lơ cuốn quít theo làn gió trông thật thơ mộng, thật trữ tình …Hình ảnh này đã khơi nguồn cảm hứng cho biết bao tâm hồn nghệ sĩ, phong phú hóa kho tàng thơ, văn, nhạc, họa, nhiếp ảnh trong văn học nghệ thuật Việt Nam như thi sĩ Nguyên Sa đã ngất ngây gửi hồn trong hai tà áo người tình:


Có phải em mang trên áo bay
hai phần gió thổi một phần mây
hay là em gói mây trong áo
rồi thở cho làn áo trắng bay ?


Nguyên Sa (Tương Tư)


Cái duyên dáng của người con gái Huế được thể hiện qua mái tóc thề buông dài xỏa kín bờ vai. Có lẽ vì thế mà ba tôi thích tóc tôi lúc nào cũng để dài chấm lưng. Mái tóc thề của nàng Tôn Nữ Huế , thơm thoang thoảng mùi dạ lan, biểu tượng nét nguyên trinh của thuở áo trắng học trò vừa chớm biết yêu đương. Một làn thu ba sâu vời vợi phảng phất một chút tình Huế u buồn. Một nụ cười như đóa hàm tiếu e ấp thẹn thùng dưới vành nón lá che nghiêng…


Mái tóc thề xỏa trên bờ vai
Cho tôi nhung nhớ tháng năm dài
Nón lá nghiêng che đôi mắt ngọc
Cho tôi thờ thẩn mộng thiên thu

Đóa hồng tươi bờ môi son đỏ
Mắt nhung huyền đài các mộng mơ
Dáng hồn nhiên sơn ca tình ái
Em mỉm cười ngây dại nắng vàng tơ


(Vương Ngọc Long- Huế ngọc)


Chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đủ làm cho bao nhà thơ, nhà văn và nhạc sĩ phải ngẩn ngơ rồi nhung nhớ đến đi tìm


Một ngày mùa đông chân về Huế
Đi lang thang tìm mái tóc thề
Mà ngày xưa khi chiều đánh mất
Để vơi sầu giây phút tái tê.

(Đông Hòa- Duyên áo tím)

để rồi suốt cả đời luôn vấn vương một tà áo tím thướt tha trên bến sông Hương

Chiều qua sông Hương
Lòng bao vấn vương
Một tà áo tím
Tím cả sông Hương


(Tím Huế- Phạm Sĩ Trung)

Con gái Huế không chỉ đẹp về hình dáng mà còn đẹp cả trong giọng nói thỏ thẻ nhẹ nhàng, thiệt “ mặn mà có duyên “. Những tiếng « dạ, thưa… » ngọt lịm làm cho người nghe dù chỉ một lần đã thấy vấn vương suốt cả đời


Giọng em vang tự trời quê Huế
Nhẹ thoáng, xanh veo, mà xốn xang
Nồng cháy như mồi thông núi Ngự
Giọng em nửa thực, nửa mơ màng
Chỉ một lần nghe đủ nhớ đời…


(Huy Cận- Giọng em)


Những ngôn ngữ kỳ lạ của Huế, đã từng làm cho tôi một thời chới với, nào là “mô, tê, răng, rứa”,“bên ni, bên nớ“, “chua choa “ hay những tiếng “hỉ“ gieo cuối câu làm cho tiếng nói của người dân Huế mang âm hưởng của nhạc, thật trầm lắng, du dương và gọi tình…Có lẽ vì thế, tuy rằng ba tôi là trai Bắc Ninh, mẹ tôi là gái Bến Tre, nhưng tôi lại có một giọng nói phảng phất âm hưởng của Huế…Có lẽ vì tôi gắn bó và quyến luyến Huế cho nên tôi đã không biết học nói theo tiếng Huế tự bao giờ. Tôi còn nhớ đã đọc một bài thơ viết về Huế từ thập niên năm mươi của một nữ sinh lớp đệ tam trường Đồng Khánh; bài thơ gói trọn hết cái nét dí dỏm dể thương của ngôn ngữ Huế giàu nhạc điệu, đầy thi vị:


Chi lạ rứa, chiều ni tui muốn khóc
Ngó chi tôi đồ cỏ dại hoa hèn
Nhìn chi tui hình đom đóm trong đêm
Cho thêm tủi bên ni bờ cô tịch

Tui mơ ước có bao giờ tuyệt đích
Tui van xin răng mà cứ làm ngơ
Rồi ngó tui chi lạ rứa hững hờ
Cho thêm tủi bên ni bờ cô tịch



(Huế chi lạ rứa)


(Xem tiếp Kỳ 3)



Viết tại Paris, một đêm nhớ Huế 2/6/2006
Vũ Tuyết Như
(Bích Phượng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét